Cách dùng của những động từ khuyết thiếu quan trọng
13/03/2022English Made Easy
23/03/2022Những tiêu chí chống dịch bất khả thi trong trường học
Sau ba tháng mở cửa, nhiều trường cho rằng cách xác định F1 hay các yêu cầu như “không tụ tập”, “giữ khoảng cách” không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Đầu tuần này, chị Như, 44 tuổi, phụ huynh ở TP Thủ Đức nhận được thông báo đón con gái lớp 10 về nhà vì trở thành F1. Đây là lần thứ hai trong hơn một tháng qua, con gái chị được ghi nhận là F1 tại trường.
“Cháu khỏe mạnh, không ho sốt gì mà vẫn không được đến trường, nên rất hụt hẫng. Quy định với F1 như vậy là bất cập, nhiều cháu cứ đi học vài hôm rồi lại nghỉ”, chị Như nói.
Lãnh đạo nhiều trường phổ thông cho biết, tình huống tương tự con gái chị Như bây giờ rất phổ biến. Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, từ 7/2 đến 3/3, TP HCM ghi nhận hơn 44.000 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm trong trường. Trong đó, khoảng 3.600 ca là cán bộ, giáo viên, còn lại là học sinh. Hiện số ca nhiễm trong trường học chưa có chiều hướng giảm, trung bình mỗi ngày thêm khoảng 200 F0.
Theo quy định, học sinh F1 phải cách ly tại nhà năm ngày (nếu tiêm đủ hai mũi vaccine) và bảy ngày (nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều). Do đó, nhiều em F1 hết thời hạn cách ly, vừa đến lớp lại tiếp tục thành F1 khi tiếp xúc gần với F0.
Thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh cho rằng, cần xem xét lại cách xác định F1 trong trường hiện nay. Theo quy định của Bộ Y tế, F1 là người có tiếp xúc trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín với F0. Với điều kiện này, số F1 ở các trường sẽ rất lớn mỗi khi phát hiện F0 vì mật độ học sinh dày.
Khi một nhóm F1 nghỉ, các lớp phải tổ chức dạy xen kẽ online – offline. Tình trạng này gây khó cho nhà trường, giáo viên, nhất là trong việc bố trí thời khóa biểu. Chất lượng học cũng không đảm bảo bởi các em phải thay đổi hình thức học liên tục.
“Nếu F1 không có dấu hiệu bất thường, sức khỏe ổn định thì nên cho các em đi học, không cần cách ly ở nhà. Điều này giúp lớp học không bị xáo trộn nhiều”, thầy Hân đề xuất.
Cùng quan điểm trên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, quận 10 chỉ ra, nhiều cơ quan, xí nghiệp hiện cho F1 đi làm; trường học cũng nên áp dụng cách này, nhất là với khối 7 đến 12 – nhóm học sinh đã được tiêm vaccine.
Theo thầy Phú, việc thu hẹp tối đa diện F1 còn có ý nghĩa tích cực với sức khỏe tinh thần của học sinh, giúp các em giảm căng thẳng.
Bỏ quy định cách ly F1 cũng giúp hạn chế tiêu cực nảy sinh. Thầy Phú cho biết, nếu thuộc diện phải cách ly, học sinh được kiểm tra các bài thường xuyên bằng hình thức online. Nhận thấy kiểm tra online thường dễ hơn trực tiếp, nhiều học sinh tự “khai gian” là F1.
Ngoài những bất cập về cách xác định F1, nhiều trường chỉ ra sự bất khả thi của một số tiêu chí 5K và đề xuất bỏ bớt. Thông điệp 5K gồm “khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế” là những khuyến cáo được Bộ Y tế đưa ra hồi tháng 8/2020, khi Việt Nam ghi nhận 1.044 ca Covid-19. Hiện tại, cả nước có hơn 6,7 triệu ca nhiễm.
Theo các nhà trường, tiêu chí khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế có thể bỏ; khẩu trang, khử khuẩn nên duy trì.
Thầy Dương Công Lý, Hiệu trưởng THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè cho rằng, quy định khoảng cách tối thiểu 1m trong phòng học ở bộ tiêu chí an toàn hiện không còn thích hợp. Khi toàn bộ học sinh trở lại, cơ sở vật chất và thực tế tổ chức học bán trú không đáp ứng được yêu cầu này.
“Thầy cô luôn nhắc nhở các em không tụ tập, giữ khoảng cách nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo được. Quay trở lại trường, việc gặp gỡ, giao tiếp của học sinh là không thể tránh khỏi”, thầy Lý cho biết.
Ở những lớp nhỏ tuổi hơn, hai tiêu chí khoảng cách, không tập trung càng khó thực hiện. Cô Hồ Thu Thảo, Hiệu trưởng Mầm non 19/5 Thành phố cho biết, với trẻ mầm non, không thể giữ được khoảng cách 1m bởi trẻ hiếu động, chưa có ý thức tự bảo vệ mình. Ngoài ra, với đặc thù của việc chăm sóc trẻ mầm non, giáo viên không thể giữ khoảng cách với trò.
Ở góc độ chuyên môn y tế, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho rằng, trường học chỉ nên giữ lại tiêu chí khẩu trang và khử khuẩn. Hai biện pháp này dễ thực hiện, đem lại hiệu quả cao. Quy định khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế cần được xem xét, thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới.
Theo ông Khanh, trường học không cần bắt buộc khai báo y tế hàng ngày, trừ khi các em có dấu hiệu bất thường hoặc người nhà là F0, F1. “Hiện nay việc truy vết không quan trọng, hầu hết người lớn đã được tiêm vaccine. Bắt khai báo y tế nhưng không sử dụng thông tin đó chỉ làm tăng thủ tục, áp lực không cần thiết cho nhà trường”, ông Khanh nói.
Ngày 9/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã đề cập đến thông điệp 5K và cho rằng, một số quy định như “khoảng cách, không tập trung” không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Ông đề nghị xem xét, hướng dẫn thực hiện quy tắc 5K phù hợp, mang tính khả thi hơn.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, rà soát bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Hai sở sẽ đề xuất UBND Thành phố điều chỉnh một số quy định, tiêu chí để phù hợp với tình hình mới.