Khác biệt thú vị giữa tiếng Anh-Anh và Anh-Mỹ
16/02/2022F0 tăng mạnh, học sinh nhiều nơi chuyển học trực tuyến từ hôm nay
21/02/2022Trường mở cửa rồi lại online, phụ huynh tìm cách thích ứng
Thừa nhận gặp nhiều phiền toái, các con có nguy cơ thành F1, nhưng nhiều phụ huynh bình tĩnh đối phó vì không còn cách nào khác tốt hơn.
9h ngày 17/2, đang bán hàng ở tiệm, chị Kim Dung, phụ huynh lớp 3/9, Tiểu học Bông Sao, quận 8, TP HCM được giáo viên chủ nhiệm thông báo “đón con sau 10h30”. Sau bốn ngày học trực tiếp, lớp 3/9 có một học sinh F0, được gia đình báo cho nhà trường sáng nay. Em được phát hiện dương tính với nCoV khi đi khám bệnh.
Nhà trường phối hợp với y tế địa phương, test nhanh toàn bộ 48 em cùng lớp. Tất cả học sinh âm tính, sức khoẻ ổn định. Các em được tiếp tục vào lớp, học tập bình thường đến hết tiết thứ tư. Nhưng từ ngày mai, cả lớp tự cách ly ở nhà 14 ngày, chuyển sang học trực tuyến.
“Ban đầu tôi hơi lo nhưng bĩnh tĩnh trở lại khi nghe toàn bộ các con âm tính. Chuyển qua học trực tuyến cũng hơi bất tiện cho phụ huynh vì lại phải tính chuyện trông nom, chăm sóc; các con cũng buồn vì mới đi học ít bữa đã phải nghỉ”, chị Dung chia sẻ.
Về lâu dài, chị Dung cho rằng, phụ huynh nên sẵn sàng cho tình huống con phải học trực tuyến khi trở thành F1 bất cứ lúc nào. Bởi xác suất xuất hiện F0 trong trường, theo phụ huynh này, là khá lớn.
Người mẹ 40 tuổi sẽ sắp xếp việc buôn bán, dành thời gian quản lý con trong khung giờ học trực tuyến 7h30-9h30 và giờ tự học buổi chiều. Ngoài ra, chị sẽ thường xuyên liên lạc với cô giáo chủ nhiệm, nắm bắt tình hình học của bé và yêu cầu từ nhà trường.
Giống chị Dung, nhiều phụ huynh khác của lớp 3/9 tỏ ra bình tĩnh khi đón con về nhà trưa nay. Nhiều người nán lại ở cổng trường, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về thời khoá biểu, phương pháp học trong hai tuần tới. Họ được cô giáo dặn cho con ăn uống đầy đủ, tăng cường vitamin.
“Tôi phải xin làm việc tại nhà để lo cho bé, chờ đủ điều kiện học lại. Hơi bất tiện và vất vả bởi sinh hoạt bị xáo trộn, công việc ngưng trệ nhưng mình phải thích ứng với bối cảnh mới thôi, không còn cách nào khác tốt hơn”, phụ huynh Bích Vân nói.
Trước đó, một lớp 1 Tiểu học Bông Sao cũng có học sinh F0 được phát hiện tại nhà. Lớp đã học trực tuyến từ đầu tuần này.
Tính đến hôm qua, sau ba ngày học trực tiếp, TP HCM ghi nhận 163 trường hợp F0 trong trường. Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Dương Trí Dũng nhận định, việc dạy và học trực tiếp sau Tết có nhiều biến động bởi sẽ xuất hiện F0, F1 trong trường. Quy trình xử lý học sinh diện F0, F1 được trường phối hợp chặt với y tế địa phương; F1 do cơ quan y tế xác định.
Lãnh đạo Sở nhìn nhận, thời gian đầu học sinh trở lại, khó tránh khỏi quy trình xử lý bị “lệch pha” giữa các trường, địa phương, phụ thuộc vào kết quả điều tra dịch tễ của cơ quan y tế với từng trường hợp. Sở Giáo dục sẽ phối hợp với Sở Y tế để hướng dẫn các trường quy trình xử lý thống nhất.
Mở cửa rồi lại liên tục phải chuyển các lớp sang trực tuyến cũng là tình thế nhiều trường ở địa phương khác gặp phải. Nhiều phụ huynh thừa nhận cảm giác phiền toán ban đầu, nhưng sau đó nỗ lực thích nghi. Theo họ, quan trọng là bình tĩnh, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và theo dõi sát tình hình sức khỏe của con.
Hai ngày sau khi trở lại trường hôm 9/2, Lưu Nguyên Khôi, con trai chị Vũ Lê Thu Hoài ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, trở thành F1, do ngồi cạnh một bạn F0 trong lớp. Từ khi có thông tin học sinh lớp bảy đến lớp 12 trở lại trường, chị Hoài đã có kế hoạch ứng phó trong trường hợp con trở thành F0 hay F1. Chị mong con được đến trường vì cũng là giáo viên, chị hiểu học online khó hiệu quả bằng offline.
“Tôi chuẩn bị kỹ và con cũng đã tiêm hai mũi nên không quá lo lắng. Giờ là lúc thích nghi với hoàn cảnh, thay vì né tránh, sau đó đến đâu lo đến đấy”, chị Hoài cho biết.
Theo chị Hoài, trong hoàn cảnh học sinh đến trường giữa lúc các ca mắc cộng đồng tăng cao, phụ huynh nên có sự chuẩn bị, hình thành thói quen đeo khẩu trang liên tục và dặn con không được bỏ ra bất cứ lúc nào trên lớp. Bố mẹ cũng cần sát sao với con, hỏi các triệu chứng, tình hình trên lớp để kịp thời test sớm và ứng phó.
Chị Đào Thu Hà (TP Vũng Tàu) cũng bình tĩnh khi con trở thành F0 sau năm ngày đi học. “Tôi xác định đi học trực tiếp sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nên cũng chuẩn bị tâm lý, tiêm rồi cũng sẽ nhẹ hơn nếu bị. Con cũng muốn đi học, nói rằng tiêm hai mũi mà vẫn ở nhà thì cũng không tác dụng”, bà mẹ ba con nói.
Theo chị Hà, việc học online không thể kéo dài vì ảnh hưởng tới sự phát triển và tâm sinh lý của trẻ. Chị cho hay, nếu con chưa mắc bệnh, các bố mẹ chủ động tăng đề kháng, để ý sức khỏe và test ngay khi thấy triệu chứng để điều trị sớm. Với con trai mình, chị test luôn khi thấy con hắt hơi liên tục lúc đi học về. Con được xông mũi, xúc miệng nước muối, uống thuốc bổ tăng cường, uống nhiều nước cam, nước ấm để họng không khô.
Suốt thời gian dương tính, con trai chị vẫn học online và làm việc nhà. Sau ba ngày, kết quả xét nghiệm của con về âm tính. Khi có kết quả âm tính ba lần, con sẽ trở lại trường học.
“Tôi hy vọng các bố mẹ vượt qua tâm lý lo lắng. Nếu các con không may mắc bệnh, phụ huynh theo sát điều trị kịp thời để con sớm khỏi bệnh”, chị Hà chia sẻ.
Theo báo cáo về tình hình dạy học sau Tết Nguyên đán đến 16/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học còn lúng túng khi xử lý học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trực tiếp dài ngày. Có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng đến trường khi phát hiện F0 trong một lớp học.